Điều cần biết về căn bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ nhỏ

Thứ bảy - 27/04/2019 22:39
Viêm phổi cộng đồng hay còn gọi là viêm phổi mắc phải tại cộng đồng thường gặp ở trẻ em. Bệnh gây ra rất nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và có thể khiến trẻ tử vong nhanh chóng.
Điều cần biết về căn bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ nhỏ
Điều cần biết về căn bệnh viêm phổi cộng đồng ở trẻ nhỏ

Viêm phổi cấp là một vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Tổ chức y tế thế giới (OMS) ước tính: 19% nguyên nhân tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi là do viêm phổi gây ra. Do đó, bệnh viêm phổi cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân nào dẫn đến viêm phổi?

Theo kênh thông tin Y tế cho biết, bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể gây ra do vi khuẩn, virus hoặc các vi sinh vật khác. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nguyên nhân gây viêm phổi thường do virus, ở trẻ lớn thì do vi khuẩn chiếm đa số. Căn nguyên phối hợp virus và vi khuẩn thường gặp, chiếm từ 16 đến 30% căn nguyên gây viêm phổi cộng đồng. Xác định căn nguyên gây viêm phổi ở trẻ em thường gặp khó khăn vì đòi hỏi những thủ thuật xâm lấn, do vậy việc dùng kháng sinh chủ yếu dựa trên phán đoán (l’Antibiothérapie probabiliste).

Bên cạnh đó cũng có những yếu tố khác thuận lợi gây bệnh viêm phổi như là:

  • Hoàn cảnh kinh tế – xã hội không thuận lợi về các mặt như tiện nghi, nguồn nước, nhà vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu…
  • Môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh, ô nhiễm không khí trong nhà.
  • Gia đình có người mắc lao, hút thuốc .
  • Không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ: không bú mẹ, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm… , không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
  • Trẻ đẻ non, cân nặng thấp khi sinh, dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải …
  • Giao mùa, thay đổi thời tiết đột ngột.

Bệnh viêm phổi được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng như trẻ ho, sốt kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu thở nhanh (< 2 tháng tuổi: ≥ 60 lần/phút; 2 đến dưới 12 tháng tuổi: ≥ 50 lần/phút; 1 – 5 tuổi: ≥ 40 lần/phút; >5 tuổi: ≥  30 lần/phút), rút lõm lồng ngực (phần dưới lồng ngực lõm vào ở thì hít vào)…

Với những trường hợp viêm phổi nặng trẻ có các dấu hiệu của viêm phổi và kèm theo ít nhất một trong số các dấu hiệu như chán ăn, bỏ bú hoặc không uống được, lơ mơ hoặc hôn mê, co giật, có dấu hiệu suy hô hấp nặng (thở rên, rút lõm lồng ngực)…Để có thể chẩn đoán chính xác được bệnh viêm phổi, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang phổi, xét nghiệm công thức máu và CRP, xét nghiệm vi sinh,..

Xử lý thế nào khi trẻ bị viêm phổi cộng đồng?

Với trẻ bị viêm phổi, tùy vào mức độ bệnh sẽ có hướng điều trị khác nhau như nhẹ có thể điều trị tại nhà, nặng hơn thì phải tới bệnh viện để điều trị nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ.

Điều trị tại nhà

Cha mẹ cần phải nắm được cách cho trẻ sử dụng thuốc, cách nuôi dưỡng (chia nhỏ bữa ăn nếu có nôn), cách vệ sinh mũi miệng cho bé, bổ sung nước, cách làm một số thuốc ho dân gian an toàn cho trẻ, theo dõi các dấu hiệu trở nặng và tái khám.

Lưu ý khi vệ sinh mũi miệng cho trẻ: Mẹ dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, nước dãi rồi bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì chú ý giữ vệ sinh khăn sau khi dùng. Dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/ virus bám trên khăn quay trở lại gây bệnh trên trẻ.

Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

Về chế độ ăn cho trẻ bị viêm phổi, cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.

Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.

Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để giảm ho
 

Điều trị tại bệnh viện

Với những trường hợp viêm phổi nặng có biểu hiện co rút lõm lồng ngực (phần giữa bụng và ngực lõm vào khi trẻ hít vào) trẻ thở mệt, cánh mũi phập phồng, tím tái, thở khò khè hay thở rít khi nằm yên, trẻ không uống được, co giật hoặc li bì khó đánh thức, cha mẹ tuyệt đối không nên tự điều trị cho trẻ tại nhà mà nên cho trẻ điều trị tại bệnh viện để bảo đảm sự an toàn cho trẻ. Tại bệnh viện trẻ sẽ được các bác sĩ vệ sinh thông thoáng mũi miệng, cân nhắc đặt sonde dạ dày nếu có suy hố hấp nặng, thở oxy và sử dụng kháng sinh.

Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ bằng cách nào?

  • Vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan. Tránh hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ đồng thời cách ly trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.
  • Phòng ở đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt. Nếu sử dụng điều hòa thì nên điều chỉnh sao cho chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời từ 5 – 7°C để trẻ có thể thích ứng được.
  • Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch
  • Phát hiện sớm các biểu hiện sớm của viêm đường hô hấp nói chung như: ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở… và các rối loạn khác như tiêu chảy, kém ăn, bỏ bú, chậm tăng cân… để chăm sóc và điều trị kịp thời.
  • Đảm bảo trẻ có một sức khỏe tốt. Khi mang thai, bà mẹ phải khám thai đầy đủ, đảm bảo thai nhi phát triển tốt, có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng như protid, lipid, các loại vitamin, muối khoáng…
  • Nên cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và khả năng chống lại bệnh tật tốt hơn.

Viêm phổi là căn bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ. Do đó, việc trang bị những kiến thức y học về căn bệnh này là điều cần thiết giúp các bậc phụ huynh có thể nhận biết, xử lý và phòng ngừa bệnh cho trẻ một cách hiệu quả và an toàn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giữa trang 2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây