Tăng quyền lợi của thí sinh yếu thế
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), cho hay, dự thảo quy chế tuyển sinh được đăng tải công khai lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT điều chỉnh một số điểm so với dự thảo đã công bố.
Cụ thể, điều chỉnh thứ nhất là bỏ xét tuyển sớm (xét tuyển sớm được hiểu là tuyển sinh trước khi thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT). Vì hệ thống tuyển sinh đã ưu việt, dù xét tuyển sớm hay xét tuyển chung, thí sinh vẫn đặt toàn bộ nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Bà Thủy nhấn mạnh, khái niệm sớm ở đây là về mặt thời gian nhận hồ sơ xét tuyển, có nghĩa là bỏ xét tuyển sớm còn phương thức tuyển sinh của trường ĐH không thay đổi, quyền lợi của thí sinh vẫn được đảm bảo. Thậm chí, không xét tuyển sớm, quyền lợi của những thí sinh không có điều kiện tham gia các kì thi tuyển sinh riêng còn đảm bảo hơn.
Như vậy, với điều chỉnh này, có thể hiểu, Bộ GD&ĐT chỉ bỏ xét tuyển sớm, còn các phương thức xét tuyển, trường ĐH vẫn sử dụng. Ví dụ trước đây, một số trường sử dụng phương thức xét học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển sớm, với quy định bỏ xét tuyển sớm, các trường vẫn sử dụng các phương thức này nhưng thời gian xét tuyển được lùi về thời điểm xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
Điều chỉnh thứ hai là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (có cấp chứng chỉ hành nghề). Theo dự thảo, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào xét tuyển 2 khối ngành này căn cứ vào kết quả học tập 3 năm THPT.
Bà Thủy thông tin, Bộ nhận được ý kiến của thí sinh tự do phản ánh là không còn cơ hội quay lại cải thiện kết quả học lực THPT để đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Do đó, Vụ Giáo dục ĐH sẽ bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào từ điểm kì thi tốt nghiệp THPT để thí sinh có thể lựa chọn một trong 2, hoặc căn cứ vào điểm học tập THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT; không ràng buộc đồng thời cả 2 điều kiện như trong dự thảo (ngoài kết quả học bạ 3 năm THPT còn điều kiện điểm sàn thi tốt nghiệp THPT).
Liên quan đến các tổ hợp xét tuyển, bà Thủy nói thêm, quy chế có quy định về kĩ thuật khi xây dựng tổ hợp xét tuyển cho một ngành hoặc một nhóm ngành. Theo đó, số lượng các môn chung giữa các tổ hợp phải giống nhau 50% trở lên. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng “lạm phát” số lượng tổ hợp tuyển sinh trong một ngành; bắt buộc các trường phải đưa ra các tổ hợp có môn cốt lõi cho ngành đào tạo. Ví dụ, ngành kĩ thuật thì các môn cốt lõi là Toán, Vật lí, không thể tuyển cả tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) như tình trạng vừa qua.
Tạo sân chơi bình đẳng
TS. Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân ủng hộ chủ trương bỏ xét tuyển sớm từ năm 2025. Bản chất là chuyển thời điểm xét tuyển về thời điểm công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, ngoài tuyển thẳng (theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế), các phương thức xét tuyển trong toàn hệ thống sẽ chỉ xét sau khi có kết quả kì thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, các trường ĐH rất thuận lợi vì đã có đầy đủ thông tin của thí sinh (điểm thi tốt nghiệp, học bạ, đối tượng và khu vực ưu tiên), tránh được những sai sót đáng tiếc về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên.
Ông Ngô Quốc Trinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải chia sẻ, những năm trước, nhà trường xét tuyển sớm đối với phương thức xét học bạ THPT. Trong dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm là 20%, con số này tính ra không nhiều đối với một số trường. Ông Trinh ủng hộ phương án bỏ xét tuyển sớm để các trường tập trung nguồn lực cho đợt xét tuyển chung.
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh: “Bỏ xét tuyển sớm để tạo sân chơi chung an toàn cho tất cả các trường. Vì thời gian qua, việc xét tuyển sớm làm rối loạn các trường THPT. Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, học sinh lớp 12 sang học kì II là không tập trung học tập vì đã biết kết quả xét tuyển ĐH. Chúng tôi không muốn vì cạnh tranh của các trường ĐH mà bậc học phổ thông xáo trộn”.
Đại diện nhiều trường ĐH khác cũng ủng hộ đề xuất bỏ hẳn xét tuyển sớm của Vụ Giáo dục ĐH. Việc xét tuyển sớm chỉ làm gia tăng áp lực cho học sinh. Trước đây, học sinh chỉ áp lực với một kỳ thi duy nhất là tốt nghiệp THPT, nay học sinh áp lực ngay từ lớp 10 để chuẩn bị cho các điều kiện xét tuyển sớm, đáp ứng yêu cầu riêng của từng trường.
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh: “Bỏ xét tuyển sớm để tạo sân chơi chung an toàn cho tất cả các trường. Vì thời gian qua, việc xét tuyển sớm làm rối loạn các trường THPT. Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, học sinh lớp 12 sang học kì II là không tập trung học tập vì đã biết kết quả xét tuyển ĐH. Chúng tôi không muốn vì cạnh tranh của các trường ĐH mà bậc học phổ thông xáo trộn”. |
Nguồn tin: tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn