Những năm gần đây, các ngành đào tạo thuộc khối ngành Sức khỏe với điểm trúng tuyển vào một số trường đại học tư thục khá thấp khiến xã hội lo ngại về chất lượng đào tạo và chất lượng đội ngũ tham gia của nhân lực sức khỏe, liên quan đến tính mạng con người.
Có trường hợp, học sinh điểm thi tốt nghiệp môn Sinh học không quá 5 điểm nhưng lại trúng tuyển ngành Y khoa của một số trường tư thục với hình thức xét học bạ.
Điều này đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng đào tạo sẽ ra sao khi đầu vào chưa được siết chặt.
Siết chặt quản lý đầu vào và cả quá trình đào tạo, tránh dễ dãi cho điểm để giữ chân sinh viên
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đảm bảo chất lượng đầu vào trong tuyển sinh, đào tạo nhóm ngành Sức khỏe là điều rất quan trọng. Theo đó, để có thể theo được các chương trình y dược ở bậc đại học, sinh viên cần có nền tảng vững chắc về các môn học như Sinh học, Hóa học...
“Tuyển sinh khối ngành Sức khỏe nên có sự kiểm soát chất lượng đầu vào và suốt quá trình đào tạo của của cơ quan quản lý một cách chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt đầu vào, học lực những môn như Sinh học, Hóa học sẽ có ảnh hưởng mang tính nền tảng đến khả năng học tập ở khối ngành Sức khỏe của sinh viên. Theo tôi, những thí sinh nếu cảm thấy lực học các môn Sinh học, Hóa học không tốt thì đừng nên lựa chọn lĩnh vực này. Bởi, ngay cả khi được học, nhưng không học được và ra trường không làm được việc thì rất lãng phí tiền bạc và công sức nhiều năm học hành”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, có thể thấy, nhu cầu học các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe khá cao và học phí luôn ở mức cao hơn so với các ngành học khác. Đó cũng có thể là một trong những lý do khiến nhiều trường tư thục mở ngành đào tạo lĩnh vực này có thể do “lợi nhuận” khá lớn so với suất đầu tư.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định: "Với những lo lắng đầu vào cùng với đó, trường top đầu như Trường Đại học Y Hà Nội tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi rất ít. Trong khi đó, một số trường đại học tư, tỷ lệ này cao hơn cả Trường Đại học Y Hà Nội gây nên lo lắng là điều dễ hiểu. Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế cần phối hợp thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật về mở ngành, tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở này.
Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn cho các ngành thuộc khối ngành Sức khỏe để đảm bảo một ngưỡng điểm sàn nhất định tránh tuyển sinh "vơ bèo vạt tép" với nhóm ngành này. Vấn đề điểm sàn có thực sự đảm bảo tin cậy về việc đào tạo có chất lượng hay không cần có đánh giá và xem xét cẩn thận. Về phía phụ huynh trước khi quyết định cho con em mình vào học cần tìm hiểu rất kỹ ngành học về chất lượng đào tạo qua các báo cáo công khai, kết quả kiểm định, dư luận báo chí... để tránh gặp phải rủi ro đầu tư vào học nhưng con em mình ra trường không làm được việc, không lấy được giấy phép hành nghề Y khoa sau khi ra trường".
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng nhấn mạnh thêm, việc siết chặt, quản lý chất lượng là cần thiết bởi tính đặc thù riêng của nhóm ngành này. Hơn thế nữa, các trường không chỉ kiểm soát tốt đầu vào mà trong quá trình đào tạo cũng cần tránh buông lỏng chất lượng dạy học, thi kiểm tra đánh giá, dễ dãi cho điểm nhằm giữ chân sinh viên.
"Nở rộ" đào tạo ngành học lĩnh vực Sức khỏe ở trường tư với đầu vào "khiếm tốn" khiến xã hội lo ngại
Cùng trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đánh giá, sự "nở rộ" của việc đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe ở nhiều trường đại học ngoài công lập trong thời gian qua khiến xã hội, đặc biệt nhiều người trong ngành Y tế rất lo lắng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh đánh giá: "Hiện nay, xã hội đang rất quan tâm vấn đề này, đặc biệt là người trong ngành Y tế, tôi cũng có những lo ngại về chất lượng đào tạo nhóm ngành Sức khỏe của một số trường. Tất nhiên, chúng ta cũng hiểu là có nguyên tắc tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh, cũng như các thí sinh có nhu cầu học tập tại đơn vị đó.
Nếu như trước đây, sinh viên ngành Y học xong ra trường, sau thời gian thực hành tại cơ sở y tế là có thể được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng hiện nay, muốn có chứng chỉ hành nghề phải vượt qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Có thể thấy để được trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, chúng ta đã có sự siết chặt rồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến chất lượng đầu vào để đảm bảo chắc chắn rằng, sinh viên có đủ năng lực học tập, hành nghề cũng như có thể đưa ra những quyết định phức tạp liên quan đến sức khỏe con người".
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh: "Ở một số đại học đào tạo ngành Y trên thế giới, khi sinh viên vào trường, năm thứ nhất sẽ thi kiểm tra, đánh giá chất lượng, nếu không vượt qua thì không có bước tiếp theo nữa. Nếu 3 lần đều trượt như thế thì rõ ràng không thể làm bác sĩ được. Thế nên, theo tôi, các trường phải siết chặt chất lượng đầu vào và trong cả quá trình đào tạo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh thêm.
Thầy Cảnh cho rằng, ngoài chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy... thì sự nỗ lực của sinh viên cũng góp phần quyết định trực tiếp đến chất lượng nhân lực ngành y tế trong tương lai.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế cần có sự phối hợp để đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn nữa trong vấn đề đào tạo các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đậu Xuân Cảnh kiến nghị.
Cần sàng lọc kỹ ngay từ khâu tuyển sinh đối với nhóm ngành Sức khỏe
Còn chuyên gia giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao rất quan trọng. Do đó, sinh viên ngành Y phải là những người được sàng lọc kỹ ngay từ khâu tuyển sinh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nhóm ngành Sức khỏe có đặc thù riêng, nếu tuyển sinh dễ, đầu vào thấp, quá trình đào tạo không nghiêm túc thì sẽ khó bảo đảm được chất lượng đầu ra. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ y bác sĩ nói chung cũng như trường đại học nói riêng. Các trường muốn đào tạo nhóm ngành này cần đáp ứng được các quy định chặt chẽ về bảo đảm chất lượng, từ khâu tuyển sinh, đến đào tạo, xét tốt nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận: "Sinh học là một trong những môn học rất quan trọng đối với nhóm ngành Sức khỏe. Vì vậy, nhà trường cũng cần có sự đánh giá lực học của học sinh một cách chặt chẽ. Nếu học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa đạt 5 điểm môn Sinh học mà vẫn trúng tuyển Y khoa thì dễ gây băn khoăn về chất lượng đầu vào của trường đó".
Chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, thực tế, có nhiều trường tư đào tạo một số ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe nhưng điểm đầu vào không cao, thậm chí điểm trúng tuyển bằng đúng ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Hơn thế nữa, học phí nhóm ngành này cũng cao hơn các ngành khác, trong khi đó, đầu vào tại một số trường tư chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho biết thêm, nếu các ngành thuộc lĩnh vực Sức khỏe tuyển sinh dễ dãi làm giảm uy tín của những người trong ngành, ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực y tế trong tương lai. Do đó, cần có những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ để công tác tuyển sinh, đào tạo nhóm ngành này sẽ ngày càng tốt lên.
Nguồn tin: giaoduc.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn