Sớm công bố để thí sinh chuẩn bị
Tại phía Bắc, một số trường đại học (ĐH) đã công bố thông tin dự kiến về phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024. PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, năm 2024, phương hướng tuyển sinh của nhà trường cơ bản giữ ổn định như năm 2023, nhưng dự kiến sẽ có điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển. Cụ thể, trường sẽ dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023), tăng tương ứng phương thức xét tuyển kết hợp lên 80% và dành 2% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng. Như vậy, thí sinh có nguyện vọng vào học tại trường này cần lưu ý về chỉ tiêu thi tốt nghiệp THPT đã giảm nên cần nghiên cứu kỹ đề án, chuẩn bị thêm các điều kiện khác để tăng cơ hội đỗ vào trường yêu thích.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng triển khai nghiên cứu, đơn giản hóa phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Đối với kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin về lịch tổ chức 6 đợt thi năm 2024 với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023. Dự kiến, đợt thi sớm nhất sẽ diễn ra vào ngày 23 và 24/3/2024; đợt thi cuối dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/6/2024. Địa điểm tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tương tự, 6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức cũng đã được công bố. Đợt thi sớm nhất là vào ngày 2 và 3/12/2023, đợt cuối ngày 15 và 16/6/2024. Nội dung và hình thức thi đánh giá tư duy năm 2024 giữ nguyên như năm 2023. Đại diện nhà trường nhấn mạnh kỳ thi đánh giá tư duy không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học.
Ở phía Nam, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) cho biết, dự kiến tháng 11/2023, nhà trường sẽ công bố đề án tuyển sinh 2024. Về cơ bản, trường sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu cũng như các phương thức tuyển sinh như năm 2023 gồm 4 phương thức xét tuyển với khoảng 8.000 chỉ tiêu. Với phương án tuyển sinh sau năm 2025, trường sẽ thực hiên điều chỉnh một số tổ hợp các môn xét tuyển cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 2018, và dự kiến đến tháng 11/2024 sẽ công bố đề án tuyển sinh 2025.
Trường ĐH Công thương TPHCM dự kiến giữ nguyên phương thức xét tuyển và tỉ lệ xét tuyển 4 phương thức. Cụ thể, 50% - 60% xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT, 20% - 30% xét tuyển bằng học bạ THPT, từ 10% - 15% xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và 10% - 15% xét tuyển thẳng theo đề án của trường.
Theo các chuyên gia, việc các trường sớm thông tin về phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường giảm rõ rệt. Thí sinh cần có thêm những chuẩn bị khác như tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, phấn đấu ở kết quả học tập trong học bạ hoặc thi các chứng chỉ quốc tế và trong nước để có thêm cơ hội xét tuyển kết hợp vào trường, ngành yêu thích.
Giảm sự phức tạp, rắc rối với thí sinh
Nhìn lại mùa tuyển sinh 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) Nguyễn Thu Thủy cho rằng vẫn còn trường có quá nhiều phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo. Việc xét tuyển sớm cũng làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường. Vì vậy, các cơ sở giáo dục ĐH sớm hoàn thiện đề án tuyển sinh 2024, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục ĐH, cao đẳng sư phạm; yêu cầu hoàn thiện các phương thức tuyển sinh ĐH năm 2024 theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu đã có.
Bộ GDĐT cũng khuyến cáo các trường tổ chức xét tuyển tất cả các phương thức cùng với thời gian lọc ảo toàn quốc để có thể chủ động điều chỉnh được mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức, đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và lựa chọn được những thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học tập tại trường.
Để công tác tuyển sinh được thuận lợi, ThS Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tuyển sinh (Trường ĐH Mở Hà Nội) kiến nghị, Bộ GDĐT cần sớm công bố quy chế xét tuyển sinh giúp các cơ sở đào tạo có các phương án thực hiện phù hợp. Nếu có những thay đổi cần được thảo luận sớm để đưa ra phương án khả thi và các phương án dự phòng.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), mùa tuyển sinh 2023 và nhiều năm trước, có những ngành xã hội có nhu cầu nhưng các trường khó tuyển thí sinh. Vì vậy, cần tăng cương công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thí sinh từ trường phổ thông cũng như thông quá các chương trình tư vấn, hướng nghiệp để thông tin đầy đỷ tới các thí sinh cũng như toàn xã hội.