Nhiều sinh viên “nhấp nhổm” muốn chuyển ngành học dù bước vào năm học mới chưa bao lâu...
Hầu hết, sinh viên diện tuyển thẳng đều quyết tâm theo đuổi lựa chọn ban đầu; trong khi các bạn khác lại “nhấp nhổm” muốn chuyển ngành học dù bước vào năm học mới chưa bao lâu. Thực tế này đặt ra vấn đề về công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cần triển khai bài bản và khoa học hơn. Mới học… đã chán Thuộc diện tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Hóa học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng không vì thế tân sinh viên Đinh Cao Sơn tự mãn với thành tích. Gác lại hào quang, Cao Sơn đặt quyết tâm học tập, phấn đấu giành kết quả cao. “Trước mắt, em làm quen với môi trường đại học và phương pháp học tập mới. Em quyết tâm theo đuổi đến cùng ngành Sư phạm Hóa học, nuôi dưỡng ước mơ đứng trên bục giảng”, Cao Sơn bộc bạch. Theo đại diện nhiều cơ sở giáo dục đại học, hầu hết sinh viên diện tuyển thẳng chú tâm học hành. Trên giảng đường, các em phát huy thành tích học tập và giành nhiều kết quả cao trong các phong trào thi đua. Tuy nhiên, TS Thái Doãn Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TPHCM cho biết, không ít sinh viên khác lại “nhấp nhổm” xin chuyển ngành, trường học ngay từ năm thứ nhất. “Theo kết quả khảo sát, trung bình mỗi năm khoảng 10% - 12% sinh viên của trường làm đơn xin chuyển ngành học”, TS Thái Doãn Thanh thông tin. Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TPHCM, những sinh viên muốn chuyển ngành đều nêu lý do, ngành đang học không phải là nguyện vọng 1 nên không yêu thích nhất. Số khác do lựa chọn sai ngành học muốn thay đổi nguyện vọng để phù hợp với sở trường bản thân. TS Lưu Viết Tính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho hay, mỗi năm nhà trường có khoảng 10 sinh viên bày tỏ nguyện vọng chuyển ngành khác. Nhà trường luôn tạo điều kiện để đáp ứng mong muốn của các em. Tuy nhiên, người học phải đảm bảo các yêu cầu cần và đủ mà nhà trường đưa ra mới được xem xét chuyển ngành. Không phải là hiện tượng phổ biến, song trung bình mỗi năm Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có từ 10 – 20 sinh viên nộp đơn xin chuyển ngành khác. PGS.TS Phạm Văn Bổng – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, không phải sinh viên nào nộp đơn cũng được xét duyệt. Việc xét chuyển ngành học cho sinh viên phải căn cứ vào Quy chế đào tạo trình độ đại học (Ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) và Quy chế đào tạo của nhà trường. “Bắt mạch” nguyên nhân Theo PGS.TS Phạm Văn Bổng, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên muốn chuyển đổi ngành học; trong đó chủ yếu là các em nhận thấy không phù hợp với ngành mình đang theo học. “Quan điểm của chúng tôi là hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người học. Khi nhận được đơn xin chuyển ngành học của sinh viên, nhà trường sẽ cử bộ phận tư vấn gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tìm hiểu lý do vì sao các em muốn chuyển. Trên cơ sở đó, nhà trường tiếp tục tư vấn chuyên sâu về những thuận lợi, khó khăn khi chuyển ngành. Quyết định cuối cùng thuộc về người học và chúng tôi tôn trọng lựa chọn của các em. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngành học vẫn phải đảm bảo nguyên tắc mà Bộ GD&ĐT cũng như nhà trường quy định”, PGS.TS Phạm Văn Bổng nhắc lại. Đồng quan điểm, TS Thái Doãn Thanh cho hay, một trong những điều kiện “cứng” để sinh viên Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh được xem xét chuyển đổi ngành học là, ngành học muốn chuyển phải còn chỉ tiêu; mặt khác, điểm xét tuyển phải bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn đầu vào của ngành muốn chuyển. “Nhiều trường hợp chúng tôi tư vấn sinh viên học song ngành”, TS Thái Doãn Thanh cho hay, đồng thời nhấn mạnh, nhà trường bám sát Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT cũng như của trường. Theo đó, sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, ngành đào tạo khác khi có đủ điều kiện: Không phải là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối; không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định; sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo của trụ sở chính (hoặc phân hiệu) trong cùng khóa tuyển sinh. Ngoài ra, cơ sở đào tạo, trụ sở chính (hoặc phân hiệu) phải có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định của Bộ GD&ĐT. “Việc chuyển ngành được sự đồng ý của thủ trưởng các đơn vị chuyên môn phụ trách chương trình, ngành đào tạo và hiệu trưởng nhà trường”, TS Thái Doãn Thanh cho hay. Cho rằng, sinh viên không nên nóng vội hoặc quyết định cảm tính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh tư vấn, các em cần trau dồi kỹ năng, làm quen môi trường giáo dục đại học và lựa chọn phương pháp học tập một cách chủ động, tích cực. Hơn bao giờ hết, các em hãy xác lập cho mình mục tiêu, kế hoạch học tập và tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm; cần sẵn sàng đối diện với khó khăn, thách thức; chủ động tham gia hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử. Để tránh tình trạng sinh viên phải chuyển đổi ngành học khi vào đại học, TS Thái Doãn Thanh cho rằng, phải làm “chắc” khâu tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh THPT. Các trường THPT cần phối hợp với cơ sở đào tạo tổ chức tư vấn chuyên sâu việc lựa chọn ngành, trường học cho học sinh lớp 12. “Việc này cần được làm bài bản, khoa học”, TS Thái Doãn Thanh nhấn mạnh. Cùng quan điểm trên, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) nhìn nhận, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ở cấp THPT có vai trò quan trọng và ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn ngành nghề của người học. Vì thế, các trường THPT cần quan tâm hơn nữa đến công tác này.
TS Võ Thanh Hải khuyến nghị, sinh viên không nên lựa chọn hoặc quyết định theo cảm tính; đừng “đứng núi này, trông núi nọ”. Ngành học nào cũng vậy, các em cần có thái độ học tập nghiêm túc và nỗ lực hết mình.