NĂM 2023: PHƯƠNG THỨC ƯU THẾ LÀ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC BẰNG KẾT QUẢ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC

Thứ năm - 02/02/2023 21:45
Năm 2023 vẫn có nhiều phương thức xét tuyển đại học nhưng việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là phương thức được ưu tiên với nhiều trường đại học.
NĂM 2023: PHƯƠNG THỨC ƯU THẾ LÀ XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC BẰNG KẾT QUẢ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC
Thước đo mới
Cả nước hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, năm nay, Bộ Công an dự kiến vẫn tổ chức kỳ thi đánh giá như năm 2022.
Bài thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia Hà Nội có 150 câu hỏi, tổng thời gian làm bài là 195 phút. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần. Phần một là tư duy định lượng, gồm 50 câu hỏi về Toán học, thống kê và xử lý số liệu dưới dạng trắc nghiệm và điền đáp án, thời gian làm bài 75 phút. Phần hai là tư duy định tính với 50 câu hỏi về văn học - ngôn ngữ cũng dưới dạng trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút. Phần 3 gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, thời gian làm bài 60 phút.
Cấu trúc bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2023 được điều chỉnh gọn hơn năm trước, gồm phần tư duy Toán học (thời gian làm bài là 60 phút), tư duy đọc hiểu (30 phút) và tư duy khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút). Số điểm tối đa của bài thi này là 100 điểm, trong đó phần tư duy Toán học là 40 điểm, phần đọc hiểu là 20 điểm, phần tư duy khoa học/Giải quyết vấn đề là 40 điểm.
Đề thi của trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đề cao việc kiểm tra năng lực bằng cả hình thức trắc nghiệm và tự luận. Năm 2022, nhiều cơ sở lấy kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy để xét tuyển đại học đều cho biết chất lượng đầu vào cao hơn rõ rệt.
Nhiều đợt thi
ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 8 đợt thi trong năm 2023, từ ngày 10/3 đến hết ngày 4/6. Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết trung tâm sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 6/2 cho các đợt thi tháng 3, tháng 4 và mở cổng đăng ký từ ngày 18/3 cho các đợt thi tháng 5, tháng 6. Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000 đến 20.000 thí sinh/đợt thi, hướng tới phục vụ khoảng 70.000 thí sinh. 
"Để tạo điều kiện cho thí sinh nhiều địa phương tham gia thi đánh giá năng lực, năm 2023, chúng tôi mở thêm hai điểm thi mới, nâng tổng số lên 7 điểm thi, gồm các điểm tại Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An", ông Thảo cho biết.
Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ cho phép mỗi thí sinh dự thi 2 lần/năm chứ không cho phép nhiều như năm trước. Trao đổi về điều này, ông Thảo nói: "Theo thống kê, số lượng thí sinh dự thi năm 2022 có hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi đáng kể (hoặc thay đổi trong khoảng sai số đo lường) gây lãng phí, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được tham dự kỳ thi này".
ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo, kỳ thi đánh giá tư duy sẽ tổ chức nhiều đợt trong năm và thí sinh không bị giới hạn các lần thi. Dự kiến năm 2023 sẽ có ba đợt thi. Đợt một tổ chức vào tháng 5/2023. Đợt hai vào tháng 6/2023 tại Hà Nội. Đợt 3 vào tháng 7/2023 (sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT) tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng, Tuyên Quang.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến sẽ có 1 hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5 hằng năm, sau khi học sinh đã học xong chương trình phổ thông và trước khi thi tốt nghiệp THPT.
Khác với cách thức làm bài thi trên máy tính của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh tham dự kỳ thi của trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức sẽ thi trên giấy tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục ĐH ở miền Trung, miền Nam nếu có nhiều thí sinh đăng ký.
Sử dụng chung kết quả
Các cơ sở tổ chức các kỳ thi trên đều cho biết, chứng nhận kết quả thi có giá trị 2 năm. Có nghĩa là thí sinh có thể dùng chứng nhận kết quả thi năm nay để xét tuyển năm sau, nếu các cơ sở đào tạo chấp nhận. Năm 2022, có trên 60 cơ sở đại học sử dụng kết quả thi của ĐH Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh, dự kiến năm nay sẽ mở rộng hơn. Trong khi đó, ĐH Bách Khoa Hà Nội không chỉ bó hẹp việc cung cấp kết quả để tuyển sinh trong khối trường Kỹ thuật công nghệ mà mở rộng thêm ra các trường đại học, học viện khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y dược…
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nghiên cứu thang chuyển đổi điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo đó, năm 2023 sẽ có thêm nhiều trường đại học phía Nam sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Đồng thời, các thí sinh miền Nam cũng có thêm cơ hội đăng ký xét tuyển vào các trường đại học phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện có Trường ĐH Quy Nhơn, trường ĐH Sư phạm Huế quyết định sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển sinh năm 2023. Năm 2023, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng dự kiến tuyển 20%-30% chỉ tiêu từng ngành theo phương thức xét kết quả kỳ thi riêng của trường. Số còn lại xét tuyển theo các phương thức khác.
Như vậy, cơ hội dành cho thí sinh muốn xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2023 rất rộng mở.

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giữa trang 2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây