Tuy nhiên, không phải đơn vị nào muốn tổ chức cũng làm được.
Điều kiện gắt gao
Sau khi ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực, không ít trường ngoài công lập trong đề án tuyển sinh cũng dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển bằng kỳ thi riêng. Tuy vậy, từ ý định đến thực tiễn là một đòi hỏi cực kỳ gắt gao.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng khi thông tin với báo chí về đề án tuyển sinh dự kiến đều mong muốn dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi riêng. Tuy vậy, như chia sẻ của đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, tổ chức kỳ thi riêng không đơn giản. Ngoài chi phí đầu tư, quan trọng nhất là ngân hàng đề thi, đội ngũ làm thi, xây dựng ma trận đề, công tác tổ chức thi đều đòi hỏi sự thận trọng và giám sát nghiêm ngặt. GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thừa nhận, không phải cứ muốn là làm được. Bởi, kỳ thi có tính chất sàng lọc, tuyển chọn thí sinh cần nền tảng năng lực và chuẩn bị lớn từ đơn vị tổ chức.
Tới thời điểm này có khoảng 8 đơn vị, các trường đại học tổ chức kỳ thi riêng và chưa có trường nào thuộc ngoài công lập. TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng, tổ chức kỳ thi riêng cần cân nhắc nhiều yếu tố. Dù phương thức xét tuyển riêng mang lại một số lợi ích cho đơn vị tổ chức, nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố cần và đủ cho một kỳ thi có tính chất khảo thí, sàng lọc thí sinh tốt, giỏi.
TS Hà Thúc Viên cho hay: Trường ĐH Việt Đức (VGU), năm 2023, dự kiến tuyển sinh theo 5 phương thức, trong đó có bài thi kiểm tra đầu vào TestAS (Test for Academic Studies). Đây là một trong các phương thức tuyển sinh chính.
TestAS là bài thi đánh giá năng lực, không nhắm đến kiểm tra trực tiếp các kiến thức mà tập trung vào đánh giá kỹ năng nhận biết, suy luận và xử lý vấn đề. Một trong những đặc thù của bài thi đánh giá năng lực là dự đoán khả năng thành công của thí sinh khi theo học một chuyên ngành nào đó.
Bài thi TestAS hoàn toàn bằng tiếng Anh gồm 2 phần: Phần cơ bản (Kerntest, Core Test), bài thi viết theo hình thức trắc nghiệm, 110 phút. Phần chuyên ngành (Subject-Specific Test) cũng thi viết theo hình thức trắc nghiệm, từ 145 – 150 phút và được chia thành các nhóm: Khoa học Kỹ thuật dành cho thí sinh đăng ký ngành Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng và Kiến trúc. Toán, Khoa học máy tính và Khoa học Tự nhiên dành cho thí sinh đăng ký ngành Khoa học máy tính. Kinh tế học dành cho thí sinh đăng ký ngành Tài chính – Kế toán và Quản trị kinh doanh.
“Thực hiện bài kiểm tra này cho phép nhà trường so sánh công bằng năng lực của ứng viên khi được học ở hệ thống giáo dục tại các quốc gia trên thế giới. Tại VGU, bài thi này được sử dụng gần 15 năm và xem là phương thức tuyển sinh chính của nhà trường. Bài thi được tổ chức tại VGU và chuyển về chấm tập trung tại Viện TestDaF, Đức. Để xây dựng và tổ chức kỳ thi kiểm tra đầu vào như thế này, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ các mô thức test kiến thức nhằm tuyển chọn được thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất cho mình”, TS Viên nói.
Sẽ loạn nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng
Là kỳ thi không bắt buộc, nhưng trước những thay đổi trong tuyển sinh đại học vài năm nay, cộng thêm việc ngày càng có nhiều trường đại học tốp trên dành chỉ tiêu khá lớn cho phương thức này, số lượng thí sinh tìm kiếm thêm cơ hội trúng tuyển bằng kỳ thi riêng, nhất là kỳ thi đánh giá năng lực ngày càng đông.
Hiệu quả của kỳ thi đánh giá năng lực đã được hai ĐHQG chứng minh, nhưng những hệ lụy đi theo cũng bắt đầu nảy sinh khi trước mỗi kỳ thi có hiện tượng thí sinh đổ xô đến các “lò luyện” để ôn theo các bộ đề giả định đề thi đánh giá năng lực. Nhiều trung tâm luyện thi còn tự tin khẳng định sẽ luyện cho thí sinh đạt 800/1.000 điểm, nếu không đỗ sẽ hoàn tiền. Hệ lụy song hành một kỳ thi đã xuất hiện, điều này nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng học lệch nơi thí sinh cũng như tốn kém cho phụ huynh.
Nhìn nhận thực tế trên, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TPHCM, cho biết: Chủ trương của ĐHQG TPHCM khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực là giúp cho thí sinh tự xây dựng kế hoạch học tập và phát triển năng lực toàn diện, dài hạn. ĐHQG TPHCM từ 3 năm nay không ban hành hay tổ chức bất cứ hình thức luyện thi nào.
Là thí sinh đang ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực, Nguyễn Hà Thanh Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức, TPHCM có nguyện vọng vào học ngành Marketing, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) và nguyện vọng 2 là ngành Thương mại điện tử, Trường ĐH Tài chính - Marketing. Do đó, Thanh Phương quyết định đăng ký ôn luyện từ khá sớm.
“Các anh chị đi trước truyền cho em vài địa chỉ luyện thi hiệu quả nên đã đăng ký học, thi thử 4 khóa như giải đề thi, live luyện đề, ôn theo 3 môn tổ hợp… Em thấy để đạt mức 850 - 900 điểm ở kỳ thi này không dễ dàng, vì vậy quyết định tiếp tục theo tới cuối năm”, Thanh Phương nói.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nêu quan điểm, cần có cơ chế giám sát, thẩm định các cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện, năng lực tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh hay không. Tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” dẫn đến hệ lụy không đáng có (học sinh trở thành “chuột bạch” của các kỳ thi này hoặc gây phiền hà, tốn kém cho học sinh, phụ huynh). Như vậy đi ngược với quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh.
“Các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức kỳ thi riêng. Tuy nhiên, quyền lợi luôn đi kèm với nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như điều kiện cần và đủ. Vì thế, không phải cơ sở nào cũng có thể tổ chức kỳ thi này. Đơn vị cần chứng minh năng lực tổ chức, phải có đo lường, đánh giá hiệu quả và tác động về mặt xã hội. Nếu không, việc tổ chức kỳ thi sẽ trở thành phản tác dụng” – TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Theo PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, với bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ cao trong tuyển sinh nhưng nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng sẽ lãng phí nguồn lực xã hội, công sức của thí sinh và gia đình các em. Do đó, PGS Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, các trường, đơn vị đại học lớn như hai ĐHQG cần có trao đổi, học tập rút kinh nghiệm, hợp tác để tìm ra giải pháp tốt nhất, trên cơ sở đấy có thể chuyển đổi điểm cho nhau. Như vậy, thí sinh không phải trải qua quá nhiều kỳ thi. |