Quá nhiều phương thức xét tuyển
Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 do Bộ GDĐT tổ chức ngày 3/3, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, trong năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 người - đạt 83,39% chỉ tiêu, cao hơn số thí sinh nhập học năm 2021. Trong số 330 cơ sở đào tạo, 194 cơ sở có tỷ lệ thí sinh nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số thí sinh nhập học của toàn quốc.
Các cơ sở đào tạo đã tuyển sinh với hàng chục phương thức xét tuyển, trong đó 2 phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn nhất là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT (học bạ). Đáng chú ý, không có thí sinh nào nhập học phương thức xét tuyển phỏng vấn. Phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển chỉ chiếm 0,5%...
Bà Thủy cho rằng, nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu loạn và không hiệu quả đối với cả thí sinh lẫn các trường. Vẫn còn tình trạng thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển… Do đó, Bộ GDĐT cho rằng, các trường cần chủ động đánh giá hiệu quả các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển, từ đó loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, giải trình minh bạch cho xã hội.
Cần tập trung chất lượng để thu hút thí sinh
Về công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và cơ sở đào tạo, báo cáo của Bộ GDĐT cho thấy có nhiều bất hợp lý. Phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng thí sinh đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu, bên cạnh đó cũng có một số cơ sở đào tạo tuyển sinh khó khăn. Trong 3 năm liền, 4 lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất, đạt từ 49-61% chỉ tiêu.
Nguyên nhân theo Bộ GDĐT là do chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Vì vậy, đại diện Bộ GDĐT nhấn mạnh, trong thời gian sắp tới các trường đại học cần tập trung điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung ngành và chương trình đào tạo để thu hút thí sinh. Loại bỏ những ngành đào tạo yếu, không còn phù hợp với thị trường; tăng cường tính minh bạch trong công tác tuyển sinh. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo cần nắm bắt thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh. Các bộ, ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo.
Tiếp tục hoàn thiện quy trình
Năm 2022, một số cơ sở đào tạo không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên Hệ thống, báo cáo không đúng thời gian quy định; gọi thí sinh nhập học khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; chậm chễ trong việc giải quyết sai sót cho thí sinh. Từ thực tế này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm việc báo cáo lên hệ thống chung; không gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống làm mất cơ hội khác của thí sinh; không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu… Đồng thời, khẳng định Bộ GDĐT sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm.
Đối với công tác tuyển sinh 2023, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 (để các trường khai giảng vào đầu tháng 9); tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống chỉ theo ngành đào tạo, đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm tối đa nhầm lẫn, nâng cấp Hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Dự kiến các mốc tuyển sinh năm 2023
Trước 17h ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh.
Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7, thí sinh thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, không giới hạn số lần.
Từ ngày 26/7 đến 17h ngày 5/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Trước 17h ngày 14/8, các trường hoàn thành công bố thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 30/8, các trường hoàn thành xác nhận nhập học trực tuvến đợt 1 trên hệ thống.
Ngày 20/7, Bộ GDĐT sẽ công bố ngưỡng đầu vào của ngành y dược và sư phạm.