Thế nên, một số trường sư phạm tổ chức kỳ thi riêng không nằm ngoài mục đích trên; đồng thời kiểm tra, đánh giá được thí sinh trên nhiều kỹ năng, phù hợp với mục tiêu xét tuyển của cơ sở đào tạo giáo viên.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thông tin sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển đầu vào từ năm 2025. Đây là năm đầu tiên trường này tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và sử dụng kết quả để xét tuyển đại học.
Tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh không phải câu chuyện mới với các trường khối ngành Sư phạm, bởi những năm trước, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TPHCM được nhiều trường công nhận và sử dụng kết quả để tuyển sinh đầu vào hệ chính quy.
Ngay như kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức có 9 trường đại học công nhận và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh đại học.
Hiện, cả nước có hơn 10 đơn vị, trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Đây là một trong những quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo, bởi mỗi trường có đặc thù từng lĩnh vực. Nhìn từ khía cạnh các cơ sở đào tạo, có thể do yêu cầu riêng của một số ngành có tính cạnh tranh cao, cần “thước đo” đánh giá, với độ tin cậy cao hơn, phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Vì thế một số trường quyết định tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh được những thí sinh phù hợp; trong đó có một số trường sư phạm. Nhất là, vài năm gần đây, việc tuyển sinh của ngành Sư phạm có nhiều khởi sắc, điểm chuẩn trúng tuyển ở mức cao so với nhiều ngành khác.
Điều này cho thấy mức độ canh tranh vào ngành Sư phạm ngày càng cao. Mà những ngành có tính cạnh tranh cao, rất cần tuyển sinh bằng phương thức thi riêng. Thế nhưng không nên có quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng, bởi nếu không sẽ rơi vào tình cảnh trăm hoa đua nở, mạnh ai nấy làm. Vô hình trung “lợi bất cập hại”.
Đã từng có ý kiến đề xuất, các trường sư phạm trọng điểm trên cả nước cùng ngồi lại với nhau để thống nhất tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển sinh. Bản thân cơ sở đào tạo giáo viên cũng mong muốn liên kết, cùng “chung tay, góp sức” để tổ chức chung một kỳ thi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, đề xuất trên chưa thành hiện thực.
Bộ GD&ĐT từng đề nghị các trường dù tuyển sinh theo phương thức nào, sử dụng kết quả các kỳ thi riêng hay dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT… cũng cần đánh giá phân tích tương quan giữa các phương thức, kết quả tuyển sinh, học tập, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra phương thức phù hợp, bảo đảm công bằng cho thí sinh và đảm bảo chất lượng đầu vào.
Thí sinh cũng không nhất thiết phải tham gia nhiều kỳ thi, bởi kỳ thi nào cũng sẽ tập trung đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc phổ thông. Do đó, các em chỉ cần tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi riêng là đủ. Nếu thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành có tính cạnh tranh cao thì nên lựa chọn tham gia 1 hoặc 2 kỳ thi riêng.
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn