Thời điểm này, song song với học tập theo kế hoạch của các nhà trường, học sinh khối 12 đã bắt đầu tìm hiểu về công tác tuyển sinh ĐH năm 2025. Mối quan tâm lớn nhất được cả học sinh và phụ huynh quan tâm là phương thức và tổ hợp tuyển sinh của các trường ĐH sẽ thay đổi ra sao, khi năm đầu tiên có một số môn học tự chọn trở thành môn thi tốt nghiệp THPT.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 - 2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã đề nghị các cơ sở đào tạo công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2024 - 2025. Song hiện chỉ có một số cơ sở đào tạo đã chủ động công bố phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025. Đơn cử như Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM…
Nhiều trường ĐH cho biết vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể, rồi mới xây dựng đề án tuyển sinh 2025. TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM chia sẻ, trường đang chờ thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì có ý kiến cho rằng có thể sẽ dừng áp dụng phương thức tuyển sinh sớm.
Còn người học thì băn khoăn, liệu các trường ĐH có điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển so với những năm trước hay không? Năm 2025 thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ làm 2 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và chọn 2 môn thi trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Tìm hiểu thực tế ở một số trường THPT tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang…các nhà trường đều có những cái khó trong việc định hướng học tập, hướng nghiệp, sắp xếp lịch ôn luyện cho học sinh, nhất là những em có nguyện vọng sử dụng điểm thi môn Tin học và môn Công nghệ để xét tuyển ĐH. Các thầy cô chia sẻ, có học sinh ban đầu muốn thi 2 môn mới với ý định xét tuyển ĐH, nhưng do chưa biết những môn này sẽ có trong tổ hợp như thế nào, nên không ít em lại chuyển hướng sang học môn khác, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Cũng do chưa có phương án tuyển sinh năm 2025 của cơ sở giáo dục ĐH, bản thân giáo viên cũng loay hoay, không biết phải tư vấn và trả lời những thắc mắc của học sinh về tổ hợp môn thi có Tin học và Công nghệ ra sao. Dễ nhận thấy là những thắc mắc của người học hoàn toàn có cơ sở, vì chưa biết tổ hợp môn nào sẽ có môn Công nghệ, môn Tin học; các ngành đào tạo mà các em mong muốn học có sử dụng tổ hợp với môn Công nghệ hoặc Tin học để xét tuyển hay không? Phải trả lời được những thắc mắc đó thì học sinh mới mạnh dạn học và đăng ký dự tuyển tổ hợp với 2 môn mới toanh đó.
Trong khi với các trường THPT, để tổ chức dạy - học - ôn luyện cho hiệu quả, cần phải dựa trên cơ sở số liệu đăng ký các môn tự chọn của học sinh, qua đó các trường tổ chức giao ban tổ chuyên môn, cùng phân tích nội dung, yêu cầu cần đạt, tìm kiếm giải pháp nâng chất lượng từng môn học, đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn với các môn thi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) nhấn mạnh: Công tác xét tuyển ĐH của các trường hiện không thể tách rời với kỳ thi tốt nghiệp THPT (kết quả kỳ thi) và quá trình học THPT (kết quả học bạ). Do đó, năm 2025 kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới với sự thay đổi các môn thi (môn thi tự chọn) thì chắc chắn các tổ hợp xét tuyển của các trường phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Điều dễ nhận thấy là dù phương thức xét tuyển ổn định nhưng các tổ hợp xét tuyển mới sẽ tăng lên do phải bổ sung thêm các môn học của chương trình GDPT. Hiện các cơ sở đào tạo cũng đang chờ quy chế tuyển sinh ĐH mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để chốt những điều chỉnh, thay đổi trong công tác tuyển sinh năm 2025.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn