Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với 2 môn toán, văn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.
Các môn học lựa chọn trong chương trình lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2023, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với môn thi trắc nghiệm ở một số địa phương có đủ điều kiện. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung về kỳ thi, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc tổ chức kỳ thi. Trước đó, ngày 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trình Chính phủ 3 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Trong đó, phương án thi bắt buộc hai môn toán, văn kết hợp hai môn tự chọn được nhiều chuyên gia lựa chọn. Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, trong 3 phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ, phương án thi tốt nghiệp THPT bắt buộc 2 môn toán, ngữ văn kết hợp 2 môn tự chọn (2+2) trong số các môn học được phần lớn các chuyên gia tham dự cuộc họp lựa chọn. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Cục Quản lý chất lượng hôm 5/10. Kết quả, sáu chuyên gia chọn phương án thi hai môn bắt buộc, 3 ý kiến chọn phương án thi 3 môn bắt buộc và một ý kiến khác. Dựa trên kết quả này cùng ý kiến góp ý và căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn. Theo Bộ GD&ĐT, phương án thi 2+2 có ưu điểm giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm thực sự chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn, hiện nay 6 môn). Số buổi thi 3 buổi, giảm so với hiện nay. Phương án này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Tuy nhiên phương án này, nhược điểm làm ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Phương án thi 2+2 có ưu điểm giảm áp lực thi cử cho học sinh (Ảnh: Nam Anh).
Ngoài phương án 2+2, có hai phương án khác được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ trong cuộc họp sáng 15/11. Cụ thể, phương án thi 3 môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và hai môn tự chọn (phương án 3+2). Phương án thi bốn môn bắt buộc (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và hai môn tự chọn. Theo kết quả lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT công bố hồi tháng 10 vừa qua, khoảng 26-30% người khảo sát ủng hộ phương án lựa chọn 4+2, tức thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Với lựa chọn 3+2 được khoảng 70% người tham gia khảo sát, tức thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn lịch sử). Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 bài thi, gồm toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).