Theo PGS.TS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, tính đến mùa tuyển sinh năm 2023, đã có gần 40 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy để xét tuyển đại học. "Chúng tôi dự báo với Chương trình giáo dục THPT mới và quy định về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, sẽ có thêm nhiều trường đại học xét tuyển theo điểm thi này".
Về những băn khoăn khi các trường Y Dược có thể sử dụng kết quả Kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển hay không, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, hiện nay đang có hai luồng ý kiến.
Ở luồng ý kiến đầu tiên, nhiều người cho rằng có thể sử dụng kết quả của Kì thi đánh giá tư duy do các trường Y Dược chỉ cần đánh giá tổng thể thí sinh về năng lực, tư duy và thấy các em đủ năng lực học tập ngành Y Dược là được. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng phải có nội dung Hóa học, Sinh học vì đây là nền tảng để người học có thể theo đuổi các môn vốn rất dài và khó của ngành Y.
Thí sinh tham dự Kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội đợt 1 năm 2024.
PGS.TS. Nguyễn Phong Điền cho rằng, Kì thi đánh giá tư duy hiện tại đều đáp ứng những yêu cầu này. "Tuy nhiên, nếu khối Y Dược đặt hàng Đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi hoàn toàn có thể tổ chức Kì thi đánh giá tư duy riêng cho khối này, trong đó giữ nguyên các nội dung thi về đánh giá Tư duy Toán học và Tư duy Đọc hiểu. Riêng phần Tư duy Khoa học sẽ thiết kế theo hướng nhiều kiến thức đánh giá năng lực tư duy về Hóa học và Sinh học hơn".
Trong mùa tuyển sinh 2024, Đại học Bách khoa dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá tư duy, kéo dài từ tháng 12/2023 - 6/2024 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng.
Ngày 15/12, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố kết quả thi Đánh giá tư duy đợt 1 (diễn ra hôm 3/12) tại 16 điểm thi ở 8 tỉnh/thành phố trên cả nước với gần 3.000 thí sinh tham gia. Hơn 30 trường đại học đăng ký kết quả kì thi để xét tuyển.
Phổ điểm thi Đánh giá tư duy năm 2024, đợt 1.
Cấu trúc của bài thi giữ ổn định như năm 2023, gồm 3 phần: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học, trong đó, nội dung các phần thi không đi sâu vào kiểm tra kiến thức các môn học, mà tập trung vào đánh giá năng lực tư duy riêng biệt; đặc biệt, phần Tư duy Khoa học không còn tồn tại khái niệm tổ hợp môn học, phù hợp với nội dung của chương trình THPT mới.
Năm nay, trường không chỉ công bố điểm tổng các phần thi như năm trước mà công bố cả điểm thành phần, gồm điểm Toán, Đọc hiểu, Khoa học/Giải quyết vấn đề. Xét trên điểm tổng, thủ khoa đợt này đến từ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, với 95,85/100 điểm. Mức này thấp hơn 0,64 điểm so với mức thủ khoa năm ngoái đạt được. Ba thí sinh khác đạt trên 90 điểm và 27 thí sinh đạt trên 80. Mức điểm trung bình của tất cả thí sinh là 52,48, cao hơn gần 1 điểm so với năm ngoái. Tỉ lệ thí sinh đạt trên 50 điểm chiếm 57,26%.
Năm 2023, có 32 cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả Kì thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội làm căn cứ xét tuyển.
Cụ thể: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Học viện Tài chính, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ Đông Á, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Hồng Đức, Trường ĐH Dầu khí Việt Nam, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Nguyễn Trãi, Trường ĐH Đông Đô, Trường ĐH Chu Văn An, Học viện Chính sách và phát triển, Trường ĐH Hải Phòng, Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông (cơ sở phía Bắc), Trường ĐH Lâm nghiệp (cơ sở 1), Trường ĐH Thái Bình, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà. |