NĂM 2024: NHIỀU CHÍNH SÁCH MIỄN HỌC PHÍ 100%, HỖ TRỢ ĐÀO TẠO KHỐI SỨC KHỎE

Thứ ba - 12/12/2023 01:41
Từ ngày 1/1/2024, nhiều ngành học trong khối ngành sức khỏe sẽ được miễn học phí cũng như hỗ trợ thêm phí sinh hoạt khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 chính thức có hiệu lực.
NĂM 2024: NHIỀU CHÍNH SÁCH MIỄN HỌC PHÍ 100%, HỖ TRỢ ĐÀO TẠO KHỐI SỨC KHỎE
Những ngành được hỗ trợ 100% học phí 
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định một số nội dung liên quan tới hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực.
Trong luật này, Điều 105 có quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề. Theo đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổ chức, tạo điều kiện cho người hành nghề tham gia đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa liên tục, bồi dưỡng về chuyên môn kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp.
Cùng với đó, Nhà nước ban hành chính sách liên quan đến vấn đề cấp học bổng. Căn cứ quy định khoản 3 Điều 105 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học nếu học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
Đối với người học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định nêu trên.
Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học những lĩnh vực này.
Đối tượng được nhận học bổng là những sinh viên chuyên ngành này phải có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện theo quy định để được cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước.
Ngoài ra, việc cấp học bổng chính sách cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phát triển khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền
Quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng nói về phát triển khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ về y học cổ truyền được khuyến khích thực hiện gồm: Phát hiện, nghiên cứu về thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; Nghiên cứu về tính vị và tác dụng theo y học cổ truyền của các vị thuốc nam, thuốc dân gian, bài thuốc được xác định theo y học cổ truyền và y học hiện đại có tác dụng trong phòng bệnh, chữa bệnh.
Một tiết đào tạo y học cổ truyền tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (Ảnh: Thúy Huyền).

Ngoài ra còn nghiên cứu về tính an toàn, hiệu quả của các phương thức chẩn trị và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc của y học cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh; Nghiên cứu tuyển chọn, phát triển thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền an toàn, hiệu quả cao trong điều trị bệnh.
Những hướng khác được khuyến khích là nghiên cứu về an toàn, hiệu quả sử dụng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền kết hợp với thuốc hóa dược theo giai đoạn bệnh; Nghiên cứu kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán bệnh để xây dựng bộ tiêu chí chẩn đoán bệnh, thể bệnh theo y học cổ truyền;
Quy định cũng nêu khuyến khích về nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến để bào chế thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền dưới dạng bào chế hiện đại.
Điều 86 cũng quy định lồng ghép nội dung đào tạo về y học cổ truyền trong chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe; đa dạng hình thức đào tạo, loại hình đào tạo nhân lực khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền với nhiều trình độ khác nhau.
Lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền được tham gia các khóa đào tạo cập nhật, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về y học hiện đại và y học cổ truyền.
Quy mô đào tạo nhân lực y học cổ truyền cung cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2016-2022 (Nguồn: Hội thảo khoa học với chủ đề "Bác sĩ y học cổ truyền -
Người kết hợp tinh hoa của đông y và tây y").

 
Nhà nước cũng khuyến khích người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền thực hiện việc đăng ký với cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó hành nghề khi đào tạo cho người khác để kế thừa bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Chia sẻ về những chính sách mới này, ThS Trần Thúy Trâm Quyên - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) - đánh giá đây sẽ là bước ngoặt lớn trong công tác đào tạo, thu hút nhân tài cho những lĩnh vực quan trọng này.
"Việc được hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt hoặc tạo điều kiện phát triển trong các chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, y học cổ truyền sẽ giúp người học an tâm trong quá trình tiếp thu kiến thức.
Các nhà trường cũng chú trọng hơn tới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, xây dựng chiến lược để phát triển chương trình, thu hút người học", bà Quyên chia sẻ.
Theo bà Trâm Quyên, ngoài thực hiện các quy định của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng khối ngành sức khỏe, HIU cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ riêng. Trong năm học 2023-2024 tới đây, nhà trường duy trì mức học phí cũ áp dụng từ 2 năm học trước đó và hỗ trợ thêm nhiều chính sách đặc biệt.
Cụ thể: Hỗ trợ 30 triệu đồng/năm học cho sinh viên ngành y khoa và răng - hàm - mặt; Tặng học bổng 5 triệu cho sinh viên ngành dược; Chương trình học phí đặt biệt 35 triệu đồng/năm cho ngành y tế công cộng, nhiều ngành được tặng học bổng 100% học phí học kỳ I.
 

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giữa trang 2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây