NHIỀU PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC CHỈ ĐỂ "LIỆT KÊ CHO DÀI TRANG GIẤY"

Thứ hai - 12/12/2022 20:37
Đề xuất không tổ chức các phương thức tuyển sinh sớm năm 2023 của Bộ GD&ĐT đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các trường đại học trên cả nước.
NHIỀU PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN ĐẠI HỌC CHỈ ĐỂ "LIỆT KÊ CHO DÀI TRANG GIẤY"
Tại cuộc họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm vừa được tổ chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2023 sẽ xem xét, có thể không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà quy định tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông - xét tuyển đợt 1.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng:
“Đây là đề xuất hay và tôi hoàn toàn nhất trí. Bởi nếu điều này được triển khai thì Bộ có thể kiểm soát được công tác xét tuyển của tất cả các trường, thông tin đăng ký và trúng tuyển của thí sinh đều được đồng bộ trên một hệ thống chung.
Do đó, tôi cũng mong muốn Bộ sớm đưa ra quy định triển khai việc này để các trường kịp thời làm căn cứ tuyển sinh cho năm 2023”.
Theo thầy Hoàn, việc xét tuyển sớm như năm 2022 đã xảy ra nhiều vấn đề phức tạp trong công tác tuyển sinh, làm cho cơ sở đào tạo cũng như Bộ phải giải quyết nhiều lỗi kỹ thuật khi hướng dẫn thí sinh đăng ký vào trường.
“Nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 cứ nghĩ đăng ký nguyện vọng vào trường rồi, khi trúng tuyển, các trường sẽ gửi giấy báo về. Nhưng thực tế là sau khi trúng tuyển, thí sinh phải xác nhận nhập học trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do vậy, thực hiện được việc xét tuyển đồng loạt các phương thức cùng thời điểm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần sàng lọc 1 lần, thí sinh cũng chỉ cần thực việc các công đoạn chọn trường, chọn phương thức, chọn ngành chỉ 1 lần, nhờ đó mà không phát sinh chuyện trường nào báo trước, trường nào báo sau gây lộn xộn trong công tác xét tuyển.
Đây sẽ là một thay đổi theo hướng tích cực, mang đến kết quả tốt và thuận lợi chứ không có khó khăn gì. Các trường sẽ không phải lo lắng việc xử lý dữ liệu số lượng thí sinh đã đăng ký sớm rất vất vả như mọi năm.
Bởi, thông qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ sẽ quản lý, điều phối tất cả các trường trong việc xét tuyển, lịch xét tuyển, kết quả xét tuyển, báo cáo kết quả cùng một thời gian nên rất thuận lợi.
Các trường không cần phải xét tuyển sớm vì dễ sinh ra nhiều vấn đề phức tạp, thiếu công bằng giữa các trường với nhau. Bộ sẽ là cán cân điều phối để đảm bảo các vấn đề trong công tác xét tuyển cho các trường”, thầy Hoàn nói thêm.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn cũng đồng tình với đề xuất tinh giản các phương thức xét tuyển không hiệu quả.
“Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, công tác xét tuyển năm 2022 có quá nhiều phương thức, trong đó có một số phương thức chỉ có tỉ lệ lựa chọn dưới 1%, chứng tỏ là những phương thức này không hiệu quả, mà chỉ làm cho hệ thống xử lý dữ liệu dễ xảy ra lỗi hơn.
Do vậy, theo tôi, ngành giáo dục nên để cho thí sinh tập trung vào các phương thức có lượng thí sinh quan tâm nhiều và có hiệu quả như xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét học bạ, xét theo bài thi đánh giá năng lực. Các phương thức khác thì nên xem xét lược bỏ bớt nếu không cần thiết.
Năm 2022, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng sử dụng 2 phương thức xét tuyển là xét điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ nên công tác phân loại, tổng hợp không bị gặp khó khăn gì”, thầy Hoàn nói.
Cũng theo thầy Hoàn, trong 2 phương thức xét tuyển năm 2022 của trường thì số lượng thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ có nhỉnh hơn.
Lý do khiến nhiều thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển học bạ hơn có thể do Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng có học bổng đầu vào cho những thí sinh có kết quả học tập trung học phổ thông cao. Hơn nữa, phương thức này cũng có nhiều điểm linh hoạt, nhiều cách tính, giúp thí sinh nhận thấy họ có nhiều lựa chọn hơn.
“Với một số ý kiến cho rằng phương thức xét tuyển học bạ không công bằng cho các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi nghĩ rằng rất khó để so sánh được các phương thức với nhau.
Ở mỗi phương thức mà các trường đặt ra cũng phải theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù là phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay xét học bạ thì đều cần phải thực hiện theo quy định về chuẩn đầu vào của Bộ cho mỗi phương thức. Các trường sau đó còn xem xét và nâng mức điểm để phù hợp với ngành học của từng trường”, thầy Hoàn cho biết.
Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng đưa ra một số đề xuất để công tác tuyển sinh năm 2023 của các trường đại học được diễn ra một cách thuận lợi.
Trước hết, ngành giáo dục cần đảm bảo cho dữ liệu của thí sinh được đầy đủ hơn, giúp cho các cơ sở đào tạo thuận tiện hơn trong công tác xét tuyển. Bởi như năm 2022, có nhiều thí sinh tự do bị thiếu dữ liệu trên cổng thông tin của Bộ.
Hơn nữa, đối với những trường sử dụng điểm thi của môn năng khiếu như Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (môn Mỹ thuật), Bộ Giáo dục và Đào tạo nên là đầu mối cập nhật dữ liệu đó, chia sẻ dữ liệu đó công khai để các cơ sở đào tạo khác cần tuyển sinh môn tương tự có thể tra cứu, tải về phục vụ cho công tác xét tuyển của trường mình.
Đồng ý kiến, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hào, Phụ trách Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội - thuộc Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) bày tỏ quan điểm:
“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà quy định tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông - xét tuyển đợt 1.
Bởi nếu thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 thì không chỉ trường tôi mà nhiều trường vừa qua đã gặp phải tình trạng có nhiều thí sinh ảo đăng ký. Nếu tổ chức tất cả phương thức cùng một thời điểm, các thí sinh chỉ được chọn một phương thức thì tỉ lệ ảo này sẽ được giảm đi đáng kể”.
Thầy Hào cũng cho biết, Trường Đại học Thủ Dầu Một trong năm 2022 vừa qua đã sử dụng 4 phương thức xét tuyển là xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông (học bạ), xét học sinh giỏi (học sinh đạt 1 trong 3 năm ở bậc phổ thông là loại giỏi), sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đều không gặp vấn đề khó khăn gì.
"Trừ các trường thi năng khiếu hay nộp chứng chỉ ngoại ngữ là các chuyên ngành đặc thù thì việc xét tuyển đồng loạt các phương thức cùng một thời điểm sẽ giúp công tác tuyển sinh của các trường rất sôi nổi.
Mặt khác, tôi đặt tình huống, nếu trường tổ chức tuyển sinh riêng, sẽ phát sinh nhiều phương thức rất lẻ tẻ, khiến xảy ra tình trạng người học đánh giá trường có ít người vào, gây ra hiệu ứng không tốt cho nhà trường", thầy Hào chia sẻ.
Cũng theo thầy Hào, việc tổ chức nhiều phương thức xét tuyển cùng một lúc có thể gây ra một số hạn chế như nghẽn - kiểu ách tắc giao thông (kẹt xe) khi có quá nhiều người cùng tham gia một lúc - nhưng những vấn đề này không lớn và hầu hết các trường đều có thể giải quyết được.
Bên cạnh đó, thầy Hào cũng đồng tình về đề xuất tinh giản các phương thức tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong cuộc họp giao ban vừa qua.
“Theo tôi, chỉ nên tập trung vào những phương thức có hiệu quả. Quá nhiều sẽ dẫn tới hiện tượng: nhiều phương thức chỉ để “liệt kê cho dài trang giấy”.
Do đó, cần phải bỏ các phương thức chứa nhiều bất cập cho các thí sinh. Với kỳ thi đánh giá năng lực của các Đại học Quốc gia, theo tôi thấy, kỳ thi này chủ yếu để chọn ra học sinh cho các trường tốp trên, các trường tốp dưới chưa chắc đã sử dụng được; nếu nhiều học sinh chỉ coi đây là một kỳ thi để thử sức thì vô tình lại gây ra sự lãng phí cả về kinh phí và thời gian”.
Theo thầy Hào, để đảm bảo tính công bằng thì nên sử dụng các phương thức căn cứ vào kỳ thi chung như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong năm vừa qua, tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉ lệ xét tuyển theo phương thức căn cứ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là chiếm cao nhất.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hào cũng cho rằng, hiện nay có nhiều ý kiến là: đa dạng các phương thức xét tuyển để giúp học sinh có nhiều hơn lựa chọn. Tuy nhiên, đây đa phần là quan điểm của những trường dân lập, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các trường đại học, họ cần có nhiều phương thức xét tuyển để bổ sung đủ chỉ tiêu đào tạo.
“Theo tôi thấy, đang tồn tại quan điểm “chê” các trường cao đẳng, trường nghề, dẫn tới “thừa thầy thiếu thợ”. Trong khi đó, với thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước như hiện nay, thì nhu cầu của thị trường đang khát nguồn lực “thợ” nhiều hơn. Do vậy, nếu các em không có đủ năng lực học tập để đỗ vào các trường đại học thì nên định hướng sang học nghề.
Việc giảm phương thức tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu thực hiện sẽ không hạn chế cơ hội của các em học sinh mà còn giúp các em nhận ra năng lực riêng của bản thân mình, phù hợp với môi trường đào tạo nào, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, thầy Hào nói thêm.

Nguồn tin: Trà My https://giaoduc.net.vn/nhieu-phuong-thuc-xet-tuyen-dai-hoc-chi-de-liet-ke-cho-dai-trang-giay-post231717.gd

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giữa trang 2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây