Lễ kỷ niệm 51 năm ngày quốc tế hộ sinh (5-5) và 58 năm ngày quốc tế điều dưỡng (12-5) đã được Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức chiều 5-5, tại Hà Nội.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) điều dưỡng được đánh giá là lực lượng quan trọng trong sự phát triển của ngành y và không thể tách rời, chiếm tới 70% lực lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
"Lực lượng điều dưỡng có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ trong công tác điều trị. Thời gian qua chất lượng chăm sóc người bệnh có nhiều chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, trong công tác phòng chống bệnh dịch COVID-19 thời gian qua, điều dưỡng, hộ sinh đã có đóng góp rất hiệu quả cùng các bác sĩ từng bước đẩy lùi bệnh dịch"- PGS Khuê nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Y tế đánh giá trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em đội ngũ điều dưỡng viên và hộ sinh góp phần vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, trong đó giảm được 3/4 số trường hợp người mẹ tử vong và giảm 2/3 số trẻ em tử vong so với năm 1990.
Thạc sĩ Ngô Thị Minh Hà, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng, hộ sinh. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương 1 điều dưỡng viên hiện đang đảm nhiệm tới 4 người bệnh nhưng các nhân viên y tế vẫn luôn nỗ lực, tận tâm để chăm sóc sức khoẻ người bệnh.
Với số lượng điều dưỡng viên còn hạn chế Việt Nam chưa thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, đồng nghĩa với người bệnh vào viện phải đưa thêm người nhà hoặc thuê người chăm sóc.
Theo thống kê của Hội điều dưỡng Việt Nam, cả nước có hơn 140.000 điều dưỡng/hộ sinh. Tỉ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân ở nước ta hiện nay là 11,4 thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình thế giới. Để đạt chuẩn, Việt Nam cần thêm lượng điều dưỡng viên gấp 2 đến 3 lần số lượng điều dưỡng hiện có. Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2025.